Kiến thức kỹ năng
Nỗi sợ Nha khoa – Chuyện không của riêng ai và cách xử lý
Khám răng không chỉ là nỗi ám ảnh với trẻ nhỏ nó còn là nỗi sợ hãi của rất nhiều người. Các bệnh lý về răng miệng thường rất khó chịu, đau nhức nhưng cứ nghĩ đến việc đến gặp Nha sĩ nhiều người vẫn e dè. Nỗi sợ Nha khoa vốn là chuyện không của riêng ai nhưng cách xử lý như thế nào thì không phải ai cũng biết.
Nỗi sợ Nha khoa bắt nguồn từ đâu?
Sợ Nha khoa có thể bắt đầu từ khi ta còn nhỏ nhưng để nói vì sao họ lại sợ đến như vậy thì lại có rất nhiều nguyên nhân khác nhau, một trong những nguyên nhân đó thường là:
– Ký ức khám răng lần trước ở các phòng khám cũ gây đau nhức.
– Phòng khám có mùi đặc trưng và nhiều dụng cụ nha khoa trông đáng sợ như kim, kìm nha khoa…
– Những âm thanh trong phòng khám như tiếng “rè rè” của máy khoan nha khoa.
– Tâm lý sợ đau, sợ kim tiêm hoặc máu…
– E ngại Bác sĩ nhìn vào những lỗ sâu răng, vùng nướu bị sưng của mình hoặc ngửi thấy mùi hôi miệng.
– Bị ảnh hưởng bởi người thân, bạn bè cũng sợ nha khoa, nghe được nhiều câu chuyện đi khám răng đáng sợ.
– Bác sĩ thiếu kinh nghiệm, tay nghề kém, thao tác thực hiện không chính xác, tổn thương đến các mô mềm xung quanh, gây ê buốt dữ dội trong và sau khi khám răng.
– Bác sĩ không thân thiện, thiếu kiên nhẫn và hay khó chịu.
Những cách để xử lý nỗi sợ Nha khoa
Nếu bạn là một người thật sự sợ đi khám răng, thậm chí bạn có thể ngất đi khi bước vào phòng khám thì bạn có thể áp dụng một số mẹo nhỏ dưới đây:
Tìm hiểu kỹ
– Hiểu được khám răng là điều cần thiết, để Bác sĩ có thể xác định nguyên nhân cũng như kiểm soát cơn đau nhức răng kịp thời. Nhờ đó, hạn chế được những hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến răng, nướu, lưỡi.
– Tham vấn một số địa chỉ nha khoa quen thuộc mà bạn bè, người thân tin tưởng, hỏi thăm kỹ lưỡng về dịch vụ tại phòng khám đó.
– Tìm hiểu trên website về phòng khám và chất lượng dịch vụ khi khám răng.
– Đến một vài phòng khám để tham quan, tìm hiểu về dịch vụ và chất lượng trang thiết bị của phòng khám. Một phòng khám với các thiết bị kỹ thuật hiện đại, đội ngũ Bác sĩ giàu kinh nghiệm có thể giúp bạn xử lý các vấn đề về răng miệng một cách nhẹ nhàng nhất.
– Chọn khám ở những nơi có đội ngũ Bác sĩ thân thiện, kiên nhẫn, nhân viên tư vấn vui vẻ, hoạt bát.
Chuẩn bị sẵn sàng tâm thế
– Vệ sinh kỹ răng miệng ở nhà trước khi đến khám với bàn chải đánh răng, nước súc miệng và chỉ nha khoa. Đây là một bước chuẩn bị quan trọng, nó sẽ giúp bạn thêm an tâm và không còn e ngại vì mùi hôi miệng.
– Nêu đến khám vào buổi sáng nếu bạn lo lắng việc Bác sĩ Nha khoa sẽ khó chịu hay thiếu kiên nhẫn. Thế nhưng, nếu bạn đã tìm được một phòng khám với đội ngũ Y – Bác sĩ tận tâm thì bạn không cần phải lo lắng điều này.
– Nên đi cùng bạn bè hay người thân, họ sẽ giúp bạn đỡ lo lắng.
– Nói rõ cho Bác sĩ Nha khoa về nỗi sợ của bản thân, để Bác sĩ có thể trao đổi và tư vấn cho bạn trước khi tiến hành khám răng.
– Trong quá trình khám nên thỏa thuận trước với bác sĩ nếu như bản thân có những bất kỳ dấu hiệu nào giống như khó chịu hoặc không thoải mái thì có thể tạm ngưng trong giây lát.
Xem thêm: Đào tạo ngành Bác sĩ Đa khoa và Bác sĩ Răng-Hàm-Mặt tại Đại học Duy Tân: Chất lượng bài bản và Chi phí phù hợp
– Yêu cầu bác sĩ cho biết tình trạng hiện tại của răng mình và phải luôn hỏi ý kiến bạn trước khi thực hiện bước tiếp theo.
– Tập hít thở sâu và đều đặn, kết hợp với việc thả lỏng cơ thể có thể giúp bạn cảm thấy thư giãn hơn.
– Nêu đi khám răng theo định kỳ để có thể phát hiện và điều trị sớm; từ đó rút ngắn được thời gian điều trị và giúp bạn bảo vệ hàm răng luôn chắc khỏe.
Với những cách xử lý nỗi sợ Nha khoa nói riêng, nỗi sợ của bạn hoàn toàn có thể bị đánh bay. Hãy chuẩn bị thật tốt và đến nha khoa sớm nhất có thể, vì nếu bạn điều trị càng sớm thì hiệu quả chữa trị càng cao; đừng để nỗi sợ khiến tình trạng răng của bạn xấu đi và tìm đến Nha sĩ quá muộn.