Kiến thức kỹ năng
Kỹ năng nghề nghiệp Răng – Hàm – Mặt
Ngành Bác sĩ Răng – Hàm – Mặt là ngành học đào tạo các bác sỹ để đề xuất và tham gia giải quyết các vấn đề trong dự phòng, chẩn đoán và điều trị các bệnh Răng – Hàm – Mặt cho cá nhân và cộng đồng, đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ răng miệng cho xã hội.
Học bác sĩ nha khoa cần những tố chất gì?
Răng – Hàm – Mặt đều là những bộ phận quan trọng trên cơ thể con người, do đó những người chịu trách nhiệm trong công tác khám chữa và chăm sóc cần phải có những tố chất sau đây:
- Có tinh thần nhân đạo và lòng yêu thương người bệnh, hiểu được nỗi đau của người bệnh
- Có sự kiên nhẫn cẩn thận, tỉ mỉ và phương pháp học tập, nghiên cứu logic, có chuyên môn cao
- Có sự can đảm và có thể chịu đựng áp lực trong công việc hàng ngày cũng như áp lực dư luận, khi mà những vấn đề liên quan đến răng, mặt, hàm đều liên quan đến thẩm mỹ
- Khả năng quan sát tốt, sự nhạy bén, đưa ra phán đoán chính xác
- Sức khỏe tốt và có thể làm việc trong một quãng thời gian dài là điều kiện tiên quyết để có thể phục vụ và làm việc trong ngành này.
Kỹ năng nghề nghiệp ngành nha khoa
Bác sĩ Răng – Hàm – Mặt, Bác sĩ Nha khoa cần đủ năng lực làm việc độc lập và phối hợp với những nhân viên khác trong và ngoài ngành y tế để hoàn thành nhiệm vụ của mình. Các kỹ năng nghề nghiệp cần có như:
- Thực hiện được công tác tư vấn, giáo dục sức khỏe, tổ chức chăm sóc và nâng cao sức khỏe Răng – Hàm – Mặt, giữ gìn vệ sinh môi trường và đề xuất những biện pháp xử lý thích hợp.
- Chẩn đoán và xử lý được những bệnh Răng – Hàm – Mặt thông thường: sâu răng, nha chu, viêm nhiễm răng miệng.
- Chẩn đoán và xử trí được ban đầu một số bệnh Răng – Hàm – Mặt như: lệch lạc răng, mất răng, ung thư, dị tật bẩm sinh, viêm nhiễm chấn thương hàm mặt…
- Xử trí được các trường hợp cấp cứu Răng – Hàm – Mặt như chảy máu sau nhổ răng, viêm tủy răng, gãy xương hàm…
- Sử dụng kết hợp được một số biện pháp y học cổ truyền trong phòng bệnh và chữa bệnh Răng – Hàm – Mặt
- Quản lý được một cơ sở điều trị nha khoa.
- Sử dụng tối thiểu được một ngoại ngữ để đọc, hiểu được tài liệu chuyên môn và thành thạo công nghệ thông tin để phục vụ cho quản lý, nghiên cứu khoa học.
Bên cạnh đó, còn phải đạt được 6 lĩnh vực năng lực chính:
- Tư duy phản biện
- Giao tiếp
- Tính chuyên nghiệp và phát triển nghề nghiệp liên tục
- Nền tảng kiến thức; tổng hợp và đánh giá thông tin lâm sàng – cận lâm sàng
- Dự phòng và tăng cường sức khỏe răng miệng
- Chăm sóc bệnh nhân: Chẩn đoán và lập kế hoạch điều trị, Thực hành lâm sàng (Thiết lập và duy trì sức khỏe răng miệng)
Một điều quan trọng nữa là thái độ trong công việc, trong tiếp xúc với người bệnh phải:
- Tận tụy với sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân, hết lòng phục vụ người bệnh.
- Tôn trọng và chân thành hợp tác với đồng nghiệp, giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành.
- Khiêm tốn học tập vươn lên.
- Coi trọng việc kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền.
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên ngành Bác sĩ Răng – Hàm – Mặt có thể làm việc ở rất nhiều nơi, có cơ hội việc làm rộng mở, nguồn thu nhập lớn như làm việc tại Bộ Y Tế, các bệnh viện từ tuyến huyện tới trung ương, các trung tâm y tế, phòng khám tư nhân Răng – Hàm – Mặt, các tổ chức nhà nước hoặc phi chính phủ…