Sau 10 năm ấp ủ, ĐH Duy Tân chính thức đào tạo ngành Bác sĩ Răng Hàm Mặt

10 năm với sự nỗ lực, nghiêm túc, khối ngành Khoa học sức khỏe, ĐH Duy Tân đã đạt được nhiều thành tựu trong học tập và nghiên cứu. Số lượng và chất lượng sinh viên không ngừng tăng lên mỗi năm, điều đó là minh chứng cụ thể nhất cho chất lượng cũng như uy tín đào tạo của trường.

Cùng với các ngành Cử nhân Điều dưỡng, Dược sĩ Đại học, Bác sĩ Đa khoa, Cao học Điều dưỡng Quốc tế phối hợp với Đại học (ĐH) Fooyin Đài Loan, từ năm 2018 ĐH Duy Tân đã được Bộ Giáo dục & Đào tạo và Bộ Y tế cho phép mở thêm ngành Bác sĩ Răng-Hàm-Mặt theo quyết định số 1875/QĐ-BGDĐT.

Là một ngành học tương đối mới và “hot” thuộc khối ngành khoa học sức khỏe của Đại học Duy Tân, Bác sĩ Răng Hàm Mặt nhận được nhiều sự quan tâm của các sĩ tử trong mùa tuyển sinh năm nay. Để các em có hiểu rõ về ngành hoc này, chúng tôi đã có buổi trò chuyện cùng PGS.TS. Nguyễn Ngọc Minh – Thầy thuốc nhân dân, Phó Hiệu trưởng nhà trường, viện trưởng viện Y Sinh Dược Đại học Duy Tân.

PGS.TS. Nguyễn Ngọc Minh

PGS.TS. Nguyễn Ngọc Minh

PV: Không còn cái nhìn khắt khe như nhiều năm trở về trước, phẫu thuật thẩm mỹ và chỉnh nha đã được xem xét một cách cởi mở hơn. Nhất là khi, thực tế cho thấy nhiều người không may mắn có một cơ thể không vừa ý, một khuôn miệng xấu với hàm răng thô sau khi đi điều trị để giúp diện mạo đẹp hơn đã có việc làm và thành công trong cuộc sống. Vì lẽ đó, các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ, trong đó có Bác sĩ Răng-Hàm-Mặt đang ngày càng có vai trò quan trọng hơn trong xã hội phải không, thưa thầy?

PGS.TS Nguyễn Ngọc Minh: Đúng như vậy. Cha ông ta thường có câu “cái răng, cái tóc là vóc con người”. Dĩ nhiên, mở rộng ra là có cả một khuôn mặt đẹp, đôi môi, đôi mắt dễ thương quyến rũ hay có một thân hình cân đối thì ai chẳng thích.

Các tiến bộ về khoa học phẩu thuật thẩm mỹ bao gồm nhiều chỉnh sửa ngoại khoa với kỹ thuật vy phẫu không chỉ dành riêng cho Bác sĩ Răng Hàm Mặt mà nhiều chuyên ngành đều tham gia, rõ nét nhất là phẫu thuật nụ cười, phẫu thuật vá môi và khe hở hàm ếch hay chỉnh nha… Các Bác sĩ Răng Hàm Mặt đã có một vị trí đặc biệt, cần quan tâm bồi dưỡng, đào tạo.

PV: Việc đào tạo Bác sĩ Răng-Hàm-Mặt đã được quan tâm nhiều hơn để cung cấp nhân lực cho xã hội, nhưng theo Hội Răng-Hàm-Mặt Việt Nam thông kê thì đội ngũ cán bộ làm việc trong lĩnh vực khám chữa Răng-Hàm-Mặt rất thiếu. Trong đó, 1 Bác sĩ làm trong ngành này phải chăm sóc cho gần 60 nghìn người dân. Vì sao lại có tình trạng này, thưa thầy?

PGS.TS Nguyễn Ngọc Minh: Cũng không chỉ Bác sĩ Răng Hàm Mặt còn thiếu mà nhiều chuyên ngành khác cũng vậy, nhưng do nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân ở một thời kỳ mới đòi hỏi cao hơn về số lượng và chất lượng. Mặt khác ngành Bác sĩ Răng Hàm Mặt không đào tạo ồ ạt được, số lượng hằng năm các trường chỉ dăm bảy chục trong khi chuyên ngành khác có thể hàng trăm, vì ngành này yêu cầu sự tỉ mỉ, quan trọng thực hành, không thể lý thuyết không được.

PV: Đó có phải là lý do mà ĐH Duy Tân mở ngành học mới Bác sĩ Răng-Hàm-Mặt trong năm 2019 này không ạ? Thầy có thể chia sẻ về quá trình chuẩn bị mở ngành cũng như những thuận lợi, nền tảng có được dựa trên việc đào tạo khối ngành sức khỏe nhiều năm qua?

PGS.TS Nguyễn Ngọc Minh: Đúng là phải chuẩn bị kỹ và có lộ trình, việc đào tạo các ngành khác như Bác sĩ đa khoa, Dược sĩ, Điều dưỡng  ngoài việc chuẩn bị cơ sở vật chất cần có đội ngũ cán bộ giảng dạy. Vì thế gần 10 năm chúng ta mới tiến hành đào tạo cùng với sự cộng tác giúp đỡ của các cơ sở răng hàm mặt trong và ngoài nước.

Thời điểm nhận quyết định chính thức được đào tạo Bác sĩ Răng – Hàm – Mặt ĐH Duy Tân đã xây dựng hệ thống phòng thí nghiệm và thực hành đạt chuẩn với 28 phòng thí nghiệm và trung tâm chuyên sâu để sinh viên Y-Dược thực tập. Đặc biệt, ĐH Duy Tân đã xây dựng Trung tâm Mô phỏng & Mô hình hóa (Center of Visualization & Simulation – CVS) nhằm phát triển các Ứng dụng Mô phỏng Thực tại Ảo 3D, góp phần đổi mới phương pháp và nâng cao chất lượng giảng dạy Y học.

Cũng thời điểm đó, trường đã xây dựn được một đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn cao với: 3 Giáo sư, 9 Phó Giáo sư, 15 Tiến sĩ, 2 Nghiên cứu sinh, 27 Thạc sĩ và 28 Cao học cùng 10 Bác sĩ/Dược sĩ Chuyên khoa I và II, cùng đội ngũ Kỹ thuật viên thành thạo, đó là chưa kể đến các Giáo sư, Phó giáo sư, tiến sĩ giảng dạy ở khối kiến thức khoa học tự nhiên nền tảng của trường.

PV: Khám chữa và làm thẩm mỹ Răng-Hàm-Mặt đòi hỏi Bác sĩ phải có trình độ chuyên môn rất cao. Bởi thế chương trình đào tạo sẽ rất chuẩn mực và thực tế, thầy có thể chia sẻ về điểm nhấn trong chương trình đào tạo ngành Bác sĩ Răng-Hàm-Mặt tại ĐH Duy Tân?

PGS.TS Nguyễn Ngọc Minh:  Chúng ta chưa thể có các khác biệt quan trọng, cần nhất là chú trọng đào tạo tốt về lý thuyết và thực hành. Dĩ nhiên phải tận dụng lợi thế là đi sau, nhưng học được những cái mới. Nhằm mục đích ấy mà Đại học Duy Tân đang tính đến phải rà soát chương trình đào tạo sao có 1 cấu trúc hoàn chỉnh nhất.

Đi sau nhưng lại lợi thế, đối chiếu những cái hay, cái dở, cái hợp lý, cái không hợp lý, nhất là phải tranh thủ cho được những tiến bộ, những kiến thức và kỹ thuật hiện đại để “tự làm mới mình”, trên cơ sở đó hướng nhiều tới việc tiếp cận các tiến bộ ở nước ngoài. Trong đó, ĐH Duy Tân đã ký kết hợp tác huấn luyện và tham khảo giáo trình của 2 đối tác trường Y lớn ở Mỹ là ĐH Illinois ở Chicago (UIC) – trường có chương trình đào tạo Y-Dược quy mô nhất Mỹ, và ĐH Pittsburgh (UPitt) – xếp thứ 6 trong Top 15 trường có nghiên cứu Y khoa hàng đầu của Mỹ.

Đồng thời, việc ký kết cùng 18 bệnh viện, trong đó có thể kể đến như: Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Bộ Công an 199, Bệnh viện Quân y 17, Trung tâm Răng Hàm Mặt Tp. Đà Nẵng,… và đặc biệt là Bệnh viện Trung ương Huế, với Ký kết Hợp đồng nguyên tắc là đơn vị thực hành chính cho các ngành Bác sĩ Đa khoa và Bác sĩ Răng-Hàm-Mặt, sinh viên Duy Tân sẽ có cơ hội được rèn luyện tay nghề dưới sự chỉ dẫn của những người thầy có kiến thức, vững tay nghề và nhiều tâm huyết đang hành nghề chăm sóc và làm đẹp răng miệng cho người dân.

PV: “Nha sĩ là một người có trái tim của Bác sĩ, bàn tay của Kỹ sư và tâm hồn của Nghệ sĩ”. Làm thế nào để sinh viên đạt được những yêu cầu này trong quá trình học thưa thầy?

PGS.TS Nguyễn Ngọc Minh:  Đó là cả một quá trình rèn luyện lâu dài và gian khổ. 3 ý của người đặt câu hỏi đã khái quát đủ đức tính và yêu cầu cần có đối với bác sỹ răng hàm mặt. Cái khó là họ phải học và thực hiện như thế nào? Tôi rất tin vào thế hệ trẻ, thế hệ của thời đại công nghệ 4.0! Không rèn luyện không vươn lên đồng nghĩa với sự tụt hậu.

PV: Ngành Bác sĩ Răng-Hàm-Mặt hiện đang rất “hot” khi hội đủ các yếu tốt danh tiếng, thu nhập tốt và có thể tự phát triển sự nghiệp. Tuy nhiên, chắc hẳn không phải ai cũng có thể học tốt bởi đây là ngành rất đặc thù có liên quan tới tính mạng, sức khỏe và tương lai của mỗi người, thầy có thể gửi tới các em thí sinh lời khuyên trước ngưỡng cửa đại học khi muốn theo đuổi ngành này, thưa thầy?

PGS.TS Nguyễn Ngọc Minh: Lời khuyên có thể dùng chung cho tất cả sinh viên khối ngành khoa học sức khỏe là đã theo đuổi nghề thầy thuốc dĩ nhiên phải tự xác định cống hiến suốt đời cho sự nghiệp cao cả, xứng đáng với thiên chức cao quý chăm sóc sức khỏe nhân dân, thực hiện lời dạy của bác Hồ kính yêu “Lương y như từ mẫu”, lời thề hippocrates và noi theo y đức của các bậc lương y, tổ nghề của y học cổ truyền Việt Nam: Tuệ Tĩnh – Hải thượng lãn ông là những tấm gương sáng cho các thế hệ noi theo.